Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014
Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014
Ý NGHĨA CỦA LỜI PHÊ !
Ý nghĩa của lời phê… !
Tôi nhớ rõ năm tôi học lớp 10, bài kiểm tra văn của tôi chỉ đạt điểm 5. Với một cô bé học sinh giỏi văn của Tỉnh suốt nhiều năm liền, bài văn được điểm 5 là một nỗi buồn vô hạn. Vậy mà khi cầm bài kiểm tra trên tay, đọc những lời phê của cô giáo, tôi lại không hề thấy buồn. Những dòng chữ nhỏ nghiêng nghiêng được viết cẩn thận vào ô “Lời phê của giáo viên” đã làm tôi vô cùng xúc động. Cả bài văn của tôi, đầy vết mực đỏ của cô, chỗ thì sửa một từ dùng chưa chính xác, chỗ thì gạch chân dưới những từ sai chính tả, chỗ thì nhận xét một câu diễn đạt chưa trôi chảy…Điều mà tôi cảm nhận được qua những lời phê của cô là sự quan tâm, lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm lớn lao của một người thầy. Bài văn ấy đã theo tôi đi qua thời học sinh, thời sinh viên và cho tới tận bây giờ khi tôi đã trở thành một cô giáo dạy Toán & bây giờ là giáo viên giảng dạy lớp Năm.
Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa trong tờ giấy kiểm tra của học sinh và trong học bạ đều có ô dành cho lời phê của giáo viên. Điều này cho thấy lời phê có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi học sinh.
Trước hết hãy bàn về lời phê trong bài kiểm tra. Tôi có đọc một bài viết của một cháu bé về lời phê của thầy cô như sau: “... Cháu thấy lời phê của cô giáo luôn là những từ cụt ngủn như “Bẩn” , “Chữ xấu” , “Ẩu”, “Chưa cố gắng”... Đến khi cháu nỗ lực và đạt điểm số cao hơn, cô giáo lại không hề có lời nhận xét là những lời khen ngợi và động viên. Các em học sinh như tờ giấy trắng, chúng sẽ cảm thấy chán ghét môi trường học đường nếu như vừa vào học đã phải gánh chịu nhiều lời phê bình hà khắc. Giá như các cô giáo có những lời phê nhân văn hơn như: “Em chú ý giữ vở sạch”, “Hãy viết cẩn thận hơn”, “Cố gắng thêm”...
Đọc những dòng chữ ấy tôi giật mình
bởi bản thân tôi, đôi lúc vội vàng, tất bật với công
việc cũng
đã từng đặt bút phê như thế cho học trò!
Sau này, khi chấm bài, tôi rất thận trọng khi phê vào bài của học sinh. Kiên quyết không phê những câu chung chung đại loại như: Có tiến bộ, có nhiều cố gắng, cần cố gắng hơn, bài viết có nhiều ý hay...Đã phê thì phải phê rõ: Cần xem lại quan điểm này; đoạn này chép từ sách ra cũng sai; Ý nào hay thì
khoanh tròn, đánh dấu phê: Hay hoặc ngược lại: Dở.
Phê vào bài đã khó. Khó nhất là phải phê vào học bạ, phiếu điểm, bảng điểm. Tôi đọc được trên mạng một câu chuyện có một anh sinh viên báo chí, khi ra trường, trong bảng điểm có mấy dòng nhận xét của cô giáo chủ nhiệm (Bảng điểm của mấy năm học) ghi rất rành mạch: "Không có khả năng làm báo". Anh ấy rất buồn. Học ra trường cầm cái bảng điểm ấy về nộp cho tổ chức thì chỉ có nước bị đuổi ra chăn bò... Đêm ấy, về ký túc xá, anh ấy uống rượu say mèm và đập hết mấy cái vỏ chai, tung tóe cả tầng 5 ký túc xá T28...
Thế nhưng, mấy năm sau khi ra trường, anh ấy đã làm Tổng biên tập một tờ báo địa phương. Hiện giờ anh ấy vẫn làm Tổng biên tập tờ báo ấy. (Đừng ai bảo là: không có khả năng làm báo nhưng làm tổng biên tập thì được nhé. Có thể điều này cũng đúng, nhưng trong trường hợp cụ thể của anh ấy thì anh đã làm phóng viên báo
rất khá rồi trưởng thành lên chức Tổng biên tập). Kể chuyện này, tôi chỉ muốn nói: Lời phê của cô giáo đã không đúng đối với anh ấy mà thôi.
Có một công việc - theo tôi- đòi hỏi rất cẩn trọng mà không được căng thẳng, rất khoa học, chính xác mà không được khô khan, rất nguyên tắc mà không được cứng nhắc, rập khuôn đó chính là PHÊ HỌC BẠ.
Việc phê học bạ khép lại bộn bề, mệt mỏi của một năm học, thường được tiến hành nhanh chóng như một thủ tục, nhất là đối với biểu mẫu quyển học bạ của Bộ Giáo dục ngày nay - Nó làm tôi xao xuyến nhớ về những quyển học bạ của mình, vàng ố rồi nhưng mỗi lần lật ra, tôi lại nhìn thấy tuổi hoa niên chấp chới bay về qua những lời phê sống động, tôi lại hình dung trước mắt những ngày háo hức đến trường, những mùa hè hắt hiu nỗi nhớ, những kỷ niệm ngọt ngào với thầy cô khả kính của một thời… Học bạ bây giờ khác xưa, giáo viên bộ môn chỉ ghi điểm, ký tên, đóng dấu (lâu dần không nhớ nổi thầy cô mình từng có nét chữ ra sao!), còn giáo viên chủ nhiệm, đa phần ít chịu khó suy nghĩ, lại kiệm lời, phê mà như không phê cho đầu nó nhẹ lại tránh sai chính tả, mấy từ “được” “tạm” “khá” “tốt” “ chăm”…chưa bao giờ trở nên lạnh lẽo đến thế!
Ở một thái cực khác, giáo viên phê học bạ mà như đang trút giận, những từ ngữ nặng nề như “lười biếng”, “thụ động”, “ương ngạnh”, “ gian lận trong học tập”…được thẳng thừng tuôn ra. Có bao giờ người phê nghĩ đến cảm giác của người nhận những lời phê ấy hay không? Học bạ nhiều khi không còn là một thứ giấy tờ hành chính, nó trở thành chứng nhân của một đoạn đời trong trẻo, hồn nhiên; một đoạn đời phấn đấu không mệt mỏi hay một đoạn đời lơ đãng, vô ưu….nó có thể mang lại niềm tự hào hay một nỗi nhục nhã…nó đánh dấu sự lớn lên hay những lỗi lầm không sao cứu chuộc của người đi học. Chính vì lẽ đó, mỗi lần phê học bạ, tôi đều “dọn mình” để tâm thật thanh tịnh, một chỗ ngồi thật thoải mái và yên tĩnh, một cây bút được chọn thật kỹ lưỡng để nét bút rõ mà thanh thoát, mực không phai theo thời gian…Tôi thường ghi sẵn những lời phê cho từng học sinh vào một quyển sổ nhỏ rồi chép vào học bạ, vừa tránh sai sót trong câu văn, vừa kỹ càng trong chữ viết; tôi mong khi đọc lời phê ấy người ta sẽ hình dung ra được nét riêng cùa người chủ quyển học bạ và dĩ nhiên lời phê phải phù hợp với loại được xếp của học sinh nhưng trong “từ điển phê học bạ” của tôi không có những lời lẽ làm tổn thương người khác, dù kém hay lười, dù ngây ngô hay gian trá, dù vô phép hay lưu manh cũng chỉ là những biểu hiện nhất thời mà còn đến trường tức là còn khả năng giáo dục được thì không nên ghi lại bằng những dòng chữ khó thể xóa nhòa ( Chủ quan tôi nghĩ thế ! )
Với bài viết này, tôi hy vọng mọi người ( đặc biệt là những giáo viên), hiểu được ý nghĩa của lời phê và mỗi khi đặt bút phê vào bài kiểm tra, học bạ… của học sinh hãy cẩn trọng bởi lời phê - Đời người !
hht.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)